Dù không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, song giá vàng miếng trong nước vẫn bị doanh nghiệp vàng đẩy lên cao một cách vô lý so với giá thế giới. Trong vòng 1 tháng qua, giá vàng thế giới chỉ tăng hơn 1%, trong khi vàng trong nước tăng hơn 8%.
Độc quyền, khan hiếm – thủ phạm đẩy giá vàng tăng phi mã
Giữa tuần này, giá vàng miếng SJC trong nước có thời điểm phá mốc 80 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng hơn 8% chỉ trong vòng 1 tháng và tăng 19% so với đầu năm. Trong khi đó, giá vàng thế giới chỉ tăng 1% trong vòng 1 tháng qua và tăng hơn 12% tính từ đầu năm.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước “một mình một chợ”, tăng phi mã so với giá vàng thế giới?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cho rằng, giá vàng SJC trong nước cao không phản ánh đúng xu hướng giá vàng quốc tế, do độc quyền vàng miếng SJC.
“Giá vàng SJC trong nước tăng cao do từ lâu không được sản xuất, nguồn cung khan hiếm, dẫn tới giá tăng, chênh lệch lớn với giá thế giới. Vàng trong nước tăng chủ yếu do tâm lý”, ông Huỳnh Trung Khánh nhận định.
Theo quan sát, sức mua vàng trên thị trường diễn ra bình thường, không có hiện tượng gom mua ào ạt. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định, sức mua của người dân không diễn ra trên diện rộng. Như vậy, giá vàng trong nước tăng hoàn toàn do “nhà vàng” trong nước đẩy giá.
“Vàng trong nước tăng không phải do người dân tăng mua quá nhiều, mà chủ yếu do khan hiếm vàng SJC. Thực tế, vàng miếng SJC chênh lệch lớn với giá vàng thế giới, trong khi vàng nhẫn không cao đáng kể so với giá vàng thế giới”, ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định.
Từ năm 2012, khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) được ban hành, NHNN là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu này. Theo các chuyên gia, đây là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước “một mình một chợ”, ngày càng chênh lệch lớn với giá vàng thế giới.
Ngoài độc quyền vàng miếng SJC, Nghị định 24 cũng không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, dẫn đến khan hiếm vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, một số doanh nghiệp thậm chí còn phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, nên càng làm giá vàng miếng SJC bị đẩy lên cao.
Nghị định 24 đã lỗi thời
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong giai đoạn 2011-2012, nền kinh tế vĩ mô rối loạn, tình trạng vàng hóa nền kinh tế diễn ra khá đáng ngại. Trong bối cảnh đó, việc độc quyền vàng như Nghị định 24 là phù hợp. Nghị định này đã giúp hiện tượng vàng hóa nền kinh tế giảm mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình kinh tế vĩ mô đã khác, việc độc quyền của NHNN là không cần thiết.
Chênh lệch giá vàng SJC trong nước và thế giới gần 19 triệu đồng/lượng không phải do chất lượng, mà là do độc quyền. Tâm lý sở hữu nhãn vàng thương hiệu quốc gia để dễ bán là tâm lý dẫn tới sự chênh lệch phi lý này. Việc chênh lệch vàng trong nước và thế giới kéo dài sẽ tạo ra áp lực buôn lậu vàng qua biên giới. Như dự đoán của Hội đồng Vàng thế giới, khối lượng vàng buôn lậu qua biên giới của Việt Nam có khi lên tới 5- 6 tấn/năm (trên 3 tỷ USD).
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính quốc gia
“Nghị định 24 ban hành hơn 10 năm trước đã phát huy nhiều tác dụng tốt, song cũng trở nên tương đối lỗi thời, cần chỉnh sửa cho phù hợp. Theo tôi, NHNN cần giảm bớt kiểm soát vàng nữ trang. Riêng với vàng miếng SJC, nhiều đơn vị kinh doanh vàng kiến nghị, NHNN cần bỏ độc quyền vàng miếng SJC, mà cho phép nhiều đơn vị tham gia sản xuất vàng miếng để thị trường trở lại bình thường”, ông Huỳnh Trung Khánh đề nghị.
Theo đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, việc NHNN độc quyền nhập khẩu vàng như hiện nay chẳng khác nào cơ quan này “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. “Cơ quan Chính phủ chỉ can thiệp thị trường bằng định hướng chính sách, chứ không nên can thiệp thị trường bằng vật chất. Không thể vì giá xăng cao, mà Bộ Công thương lại đi nhập xăng về bán. Vàng cũng như vậy”, ông Đinh Nho Bảng kiến nghị.
Hiện nay, chênh lệch giữa vàng SJC và vàng các thương hiệu khác lên tới hơn 10 triệu đồng/lượng, dù cùng chất lượng, trọng lượng. Đây là điều hết sức phi lý. Mặt khác, chênh lệch giá vàng được đẩy lên quá cao so với giá thế giới, đồng thời chênh lệch mua vào – bán ra cũng được doãng rộng tới 1-2 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm, đẩy rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Chính vì khoảng cách này mà ngay cả khi giá vàng tăng, việc lướt sóng ngắn hạn với nhà đầu tư cũng rất nguy hiểm.
Theo lãnh đạo NHNN, dù sức mua vàng miếng SJC không nhiều, hiện tượng đổ xô mua vàng không xảy ra, đồng nghĩa với kinh tế vĩ mô không bị ảnh hưởng, song NHNN đang tiếp tục rà soát các khung khổ pháp lý Nghị định 24 để tính đến việc quản lý thị trường vàng phù hợp.
Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt ra câu hỏi về quản lý thị trường vàng và đề nghị NHNN sớm sửa đổi Nghị định 24, vì nhiều quy định đến nay không còn phù hợp.
Được biết, NHNN đã tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội kinh doanh vàng, các chuyên gia tài chính, cũng như kinh nghiệm quản lý vàng của nhiều quốc gia, song đến nay, Dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP vẫn chưa được công bố.
Theo các chuyên gia, nên bỏ độc quyền kinh doanh vàng miếng, thay vào đó, NHNN quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng dưới dạng mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Về lâu dài, cần hình thành sàn giao dịch vàng chuẩn để liên thông với thị trường thế giới.
Nguồn tham khảo: tinnhanhchungkhoan.vn